Bạn có biết phong tục thưởng thức trăng và ý nghĩa của những cây lau, có tiếng Nhật là “Susuki” (ススキ)trong đêm rằm tháng 8 tại Nhật Bản không nhỉ?
Hãy cùng đi tìm hiểu về ý nghĩa của cây lau, và một số đồ vật được trang trí thờ cúng vào ngày Tết Trung Thu của đất nước mặt trời mọc, qua từng hình ảnh mà Hako đăng ở bài viết này nhé !!!
Lễ Tết Trung Thu du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản sau thời Heian. Khi ấy, chỉ giới quý tộc ở Nhật Bản mới được biết đến. Vào thời kỳ Edo, Trung Thu mới trở nên phổ biến hơn với dân chúng và dần chuyển sang thành hoạt động phổ biến cho tới thời nay. Một trong những ý nghĩa của cụm từ “Trung thu” là chỉ ngày 15 tháng 8 âm lịch với hàm ý chỉ ngày giữa tháng, trong cả mùa thu.
Trong thời nay, khi đất nước Nhật Bản sử dụng lịch dương (lịch của phương Tây) nên đêm 15 tháng 8 âm lịch cũng dịch chuyển tương ứng với thời gian khác nhau tùy theo mỗi năm và thường rơi vào khoảng từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch.
Lịch âm được tính toán bằng sự chuyển động của mặt trăng quanh trái đất gắn liền với cuộc sống của con người. Đặc biệt, người xưa làm nghề nông, họ tôn thờ trăng tròn như một biểu tượng của sự màu mỡ, và dâng lên mặt trăng các thành phẩm trồng được như khoai tây, đậu,…để tỏ lòng biết ơn.
Cây lau là vật được người dân trang trí cùng các thành phẩm để dâng lễ.
Người Nhật quan niệm rằng, hình ảnh cây lau tượng trưng cho bông lúa trĩu hạt như một lời cầu nguyện mùa màng bội thu. Những cành lau được coi là nơi trú ngụ của các vị thánh vị thần trên ban thờ. Người ta cũng cho rằng vết cắt sắc nhọn của cành lau sẽ là một lá bùa hộ mệnh, xua đuổi tà ma, bảo vệ mùa màng khỏi tai ương, mang tới cuộc sống an lành. Chính vì vậy, hình ảnh cỏ lau ngắm trăng mang ý nghĩa sâu sắc, tâm linh đối với người dân Nhật Bản.
Ngoài ra, cành lau còn xuất hiện trong văn học Nhật Bản từ thời cổ đại. Hình ảnh cây lau được ghi chép lại trong tuyển tập thơ cổ Manyoushuu hay xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Genji Monogatari, Makura no soshi… Nhắc tới sự cô đơn của mùa thu, người ta lại liên tưởng ngay đến hình ảnh cây lau với những cánh đồng lau nhuộm màu vàng nhàn nhạt, man mác.
Tiếp theo, một lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ rằm tháng 8 của người dân Nhật Bản đó là bánh dày, tên tiếng Nhật là mochi. Những chiếc bánh tròn trịa tượng trưng cho mặt trăng được làm bằng khoai tây, khoai môn hay khoai lang vào thời xưa khi chưa có lúa gạo.
Ngoài bánh dày thì các thành phẩm mà người dân thu hoạch được như khoai tây, đậu nành, hạt dẻ và trái cây, nước và rượu sake cũng được trưng bày làm lễ vật dâng lên. Người ta tin rằng khi được ăn các thành phẩm đã dâng lễ dưới ánh trăng sẽ có sức khỏe dồi dào và hạnh phúc viên mãn.
Ngày nay, sự khác nhau do lối sống của người Nhật xưa và người Nhật hiện đại mà phong tục thưởng thức ngày Rằm đã phai nhạt khá nhiều. Điều này là không thể tránh khỏi nhưng cũng không thể phủ nhận, đêm 15 tháng 8 âm lịch là đêm trăng đẹp nhất, thanh khiết nhất, không khí trong lành nhất của một năm.