fbpx
Lưu ý khi đi tàu điện ở Nhật

Lưu ý khi đi tàu điện ở Nhật

Xin chào các bạn! Lại là Hako đây.

Ở bài viết trước Hako đã giới thiệu về thẻ IC để đi tàu điện rồi phải không nè.
Nhưng đi tàu điện thì cũng có vài điều cần lưu ý nữa, đây gọi là văn hoá tàu điện ở Nhật. Ở bài viết này sẽ nêu một số lưu ý cho các bạn nhé!

  • Nếu tàu đang chuẩn bị đóng cửa lại thì bạn tốt nhất là hãy chờ chuyến tiếp theo, đừng gấp gáp chạy cố chen vào cửa để được lên tàu, như vậy vô cùng nguy hiểm và có thể sẽ bị nhắc nhở.
  • Khi chuyến tàu mới sắp đến thì bạn hãy lùi đứng sau vạch màu vàng hoặc có nơi màu trắng, xếp hàng chờ đến khi tàu dừng lại thì mới di chuyển lên tàu.

    Dừng tại vạch màu vàng

  • Khi bạn có vali hay hành lý cồng kềnh cũng chú ý giữ khoảng cách, không để hành lý va chạm vào những người xung quanh hay cản trở lối đi.
  • Khi lên tàu thì nhất thiết phải đợi hành khách xuống xong rồi mới lên. Đương nhiên cũng không được đứng cản trở ngay cửa đi xuống của khách trên tàu, mà đứng nép sát phía bên cửa để chừa đường chính giữa nhường cho hành khách đi xuống.
  • Khi lên tàu thì chỗ hàng ghế có ghi 優先席 – Priority Seat là hàng ghế ưu tiên cho những người lớn tuổi, người mang thai, người khuyết tật… không được ngồi hàng ghế ưu tiên nếu như bạn không thuộc những đối tượng này.

    優先席 – Priority

  • Không sử dụng điện thoại, để chuông điện thoại lớn tiếng, không gây ồn ào ảnh hưởng những người xung quanh.
  • Khi ngồi thì cũng nên ngồi gọn gàng trong đúng 1 ô ghế, hành ý đặt dưới chân, để trên đùi hoặc ở khoang hành lý. Không được dành 1 ghế để đặt hành lý của mình hay ngồi lấn chiếm nhiều chỗ.
  • Nếu tàu đông đúc bạn phải đứng thì hãy nắm tay cầm trên tàu vì tàu có thể dừng đột ngột hay rung lắc mạnh. Và nếu bạn có đeo balo khi đang đứng, hãy cởi balo ra và đặt xuống dưới chân mình, tránh gây chiếm diện tích và gây phiền cho người đứng xung quanh bạn.
  • Không được trò chuyện lớn tiếng khi trên tàu. Dù tàu rất đông nhưng trên tàu cũng sẽ yên tĩnh, nên bạn cũng hãy giữ sự yên tĩnh đó nhé. Nếu bạn đang đeo phone nghe nhạc cũng hãy chú ý điều chỉnh âm lượng đừng để bị lọt âm thanh ra ngoài.
  • Không nhìn chằm chằm vào ai đó. Trên tàu dù đông hay vắng thì bạn sẽ thấy hầu hết người Nhật sẽ xem điện thoại, nhắm mắt vờ ngủ, hay nhìn vào khoảng không vô định. Không ai nhìn vào người khác cả, nhất là việc bạn nhìn chằm chằm ai đó sẽ khiến họ thấy khó chịu và bất lịch sự.
  • Không ăn uống trên tàu. Không mang đồ ăn có mùi lên tàu.
  • Khi đến điểm xuống mà quá đông bạn bị đẩy về phía sau thì hãy nói cao giữ giọng ở mức vừa phải là “すみません、おります。” (sumimasen orimasu) và tuyệt đối KHÔNG XÔ ĐẨY trên tàu nhé.

Và hãy nhớ không được vi phạm bất cứ quy định nào tại nơi công cộng dù bạn đang trong nhà ga hay đang trên tàu. Không hút thuốc, không vứt rác bừa bãi, không leo vào thanh chắn…

Lời kết

Khá nhiều việc phải lưu ý phải không nào. Thật ra, tuy gọi là văn hoá đi tàu điện nhưng đây xuất phát từ việc ý thức cộng đồng. Tất cả những việc trên điều là những hành động cơ bản tránh gây phiền hà đến người xung quanh, khi có rất nhiều người đi chung trên một con tàu. Bạn cũng sẽ không vui vẻ gì nếu trên tàu lại có ai đó, có những hành động không hay như vậy. Ban đầu có thể sẽ thấy Nhật thật rắc rối, nhưng bạn sẽ quen dần và thấy những việc này là cần thiết.

Image source: comitomo

Bạn phải để đăng bình luận.