fbpx
SỰ KHỞI SẮC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG Ở KINH TẾ NHẬT BẢN

SỰ KHỞI SẮC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG Ở KINH TẾ NHẬT BẢN

Khởi sắc trong năm 2024.
Theo báo cáo do Phủ Nội các Nhật Bản vừa công bố sáng 17/2, trong quý thứ 3 của năm tài chính 2024, tính từ tháng 10 đến tháng 12 cùng năm, tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) thực chất của Nhật Bản đạt 0,7%. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP thực chất cả năm 2024 của Nhật Bản là 0,1%. Đây là năm thứ tư liên tiếp GDP thực chất của Nhật Bản duy trì được mức tăng trưởng dương. Cũng theo báo cáo của Phủ Nội các Nhật Bản, kim ngạch GDP trong năm 2024 của Nhật Bản là hơn 609.300 tỷ Yên (tương đương khoảng 4.000 tỷ USD). Đây cũng là lần đầu tiên GDP của Nhật Bản vượt qua mốc 600.000 tỷ Yên. Các chuyên gia kinh tế nhận định đây là những khởi sắc đáng ghi nhận của nền kinh tế xứ hoa anh đào. Chính phủ Nhật Bản cũng nhìn nhận một cách lạc quan về những thành quả nêu trên.

Theo Bộ trưởng Hayashi Yoshimasa – Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, kinh tế nước này đang cho thấy những khởi sắc tích cực nhất trong 30 năm qua. Với những khởi sắc này, kinh tế Nhật Bản sẽ không phải lo ngại tình trạng giảm phát như trước mà sẽ trở thành mô hình tăng trưởng mới dựa vào việc tăng thu nhập của doanh nghiệp và người lao động, cùng việc thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của nước này trong năm 2024 lên tới trên 29.261 tỷ Yên (tương đương khoảng 4 triệu 828 ngàn tỷ VND), cao nhất tính từ năm 1985 đến nay. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp con số này tăng mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc thâm hụt thương mại trong năm 2024 đã chững lại, đây là những kết quả khả quan của kinh tế Nhật Bản. Trong khi đó, Chính phủ nước này cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế dựa vào việc tăng thu nhập của doanh nghiệp và người lao động, cùng việc thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn.

“Nhìn từ các chỉ số tiêu dùng thực chất có thể thấy, giá phương tiện giao thông, giá điện và khí đốt… đang ở trong xu thế giảm dần. Do đó, có thể nói, Chính phủ đang thực hiện một cách bền vững mục tiêu thúc đẩy một nền kinh tế mà thu nhập của người dân cao hơn mức tăng của vật giá. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm phục hồi mạnh mẽ thu nhập cá nhân của người lao động” – Bộ trưởng Hayashi nhấn mạnh.

Lực cản trong năm 2025.
Tuy nhiên, bước vào năm 2025, kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó, vấn đề vật giá tăng cao không cản nổi tiếp tục được coi là mảng tối nhất trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) thực hiện khảo sát các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản cho biết, mặc dù, trong năm 2024, tại thị trường Nhật Bản, đã có tới 12.520 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá, với mức giao động từ 8%~23%, nhưng trong giai đoạn từ tháng 1~4/2025, sẽ có thêm 6121 mặt hàng tiêu dùng nữa bị nâng giá, với mức tăng trung bình 18%. Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản tỏ ra bi quan trước tình hình hiện nay. Theo ông Araki Hideyuki – chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu tổng hợp Risona, nếu nhìn từ tình hình hiện nay, có thể nói vẫn chưa có bất cứ lối thoát nào, chưa có đường dẫn tới một vòng tuần hoàn ổn định giữa giá, lương và tiền. Mặc dù gần đây đã có một vài cải thiện, nhưng vật giá vẫn tiếp tục leo thang. Tới đây, việc tăng lương sẽ kéo theo giá cả tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Các chuyên gia kinh tế cũng báo động một vấn đề nghiêm trọng nữa là chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay. Theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, chỉ riêng mức thuế mà Washington dự định áp dụng cho ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ làm GDP của nước này giảm từ 0,08%~0,2%. Hiện nay, các bộ ngành có liên quan của Nhật Bản đang tích cực triển khai các cuộc đàm phán với phía Mỹ về vấn đề này, nhưng chưa có kết quả cụ thể.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, để duy trì được đà tăng trưởng hiện nay, ngoài việc xử lý những ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề vật giá trong nước không ngừng tăng cao cùng chính sách thuế quan của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản cần tập trung giải quyết thêm 2 vấn đề lớn là giá trị đồng Yên bất ổn và dân số lão hóa dẫn tới sự suy giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Chừng nào các vấn đề này còn tồn tại, sự phát triển của kinh tế Nhật Bản vẫn thiếu tính bền vững.

——————–

Source: PV/VOV-Tokyo
𝐄𝐝𝐢𝐭𝐞𝐝 𝐛𝐲 𝐍𝐢𝐩𝐩𝐨𝐧𝐜𝐥𝐚𝐬𝐬
#hako#nipponclass#nhatban#japaneselife#japanese#Japan#news#tintuc#gocnhatban

Bạn phải để đăng bình luận.