fbpx
Nhật Bản quyết định ra mắt loại tiền giấy mới vào năm 2024

Nhật Bản quyết định ra mắt loại tiền giấy mới vào năm 2024

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thiết kế của tiền giấy khoảng 20 năm sẽ được tái bản một lần với mục đích tăng cường khả năng chống tiền giả. Những công nghệ mới nhất sẽ được áp dụng cho tờ tiền mới này như một biện pháp để tăng cường khả năng chống hàng giả. Hiện nay tại Nhật Bản đang sử dụng hệ thống tiền tệ với các mệnh giá như sau:

Về tiền giấy có 3 loại: 1.000, 5.000, 10.000 yên và có 6 loại tiền xu với mệnh giá, 1, 5, 10, 50, 100, 500 yên. Tờ 1000, 5000 yên hiện tại đã được phát hành vào năm 2004, còn tờ 10,000 yên thì đã có tuổi thọ lên tới 40 năm.

Vậy, nhân vật nào tiếp theo sẽ được in lên tờ tiền giấy mới, phát hành vào năm 2024 này? Bạn hãy tìm hiểu ở bài viết này nhé!!!

Số 𝟭.
Xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 1000 Yên đó là 𝗞𝗶𝘁𝗮𝘀𝗮𝘁𝗼 𝘀𝗵𝗶𝗯𝗮𝘀𝗮𝗯𝘂𝗿𝗼 (𝟭𝟴𝟱𝟯 – 𝟭𝟵𝟯𝟭).

Kitasato Shibasaburo < 北里柴三郎> sinh ngày 29/1/1853 trong một gia đình địa chủ nay thuộc tỉnh Kumamoto.

Sau khi học khoa Y ở trường Tokyo, ông vào làm cho Bộ Nội vụ. Sau đó, ông sang Đức du học và đã phát minh ra kĩ thuật tách được riêng vi khuẩn uốn ván. Ông đã được rất nhiều trung tâm nghiên cứu nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới mời về làm nhưng nhận thấy sự yếu kém của ngành Y học nước nhà, ông đã quyết định quay trở lại nước Nhật.

Có thể nói Kitasato Shibasaburo là người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền Y học của Nhật Bản trong thời kì đầu. Ông là một trong những ứng cử viên nhận giải thưởng Nobel đầu tiên về Sinh học và Y học. Ông cũng là người sáng lập ra trung tâm nghiên cứu Y khoa trực thuộc Đại học Tokyo hiện nay. Ông còn được mệnh danh là cha đẻ của Ngành vi khuẩn học của Nhật.

Một số thành tích tiêu biểu của ông:
– Tìm ra cách nuôi cấy vi khuẩn uốn ván
– Tìm ra phương pháp trị liệu huyết thanh
– Thành lập trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm
– Phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch
– Thành lập khoa Y trường đại học Keio

Cả cuộc đời của Kitasato Shibasaburo đã gắn liền với Y học và ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của Y học Nhật Bản nói riêng và Y học thế giới nói chung.

Số 2.
Xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 5000 Yên đó là 𝗧𝘀𝘂𝗱𝗮 𝘂𝗺𝗲𝗸𝗼 (𝟭𝟴𝟲𝟰 -𝟭𝟵𝟮𝟵).

Tsuda Umeko <津田梅子> là nhà giáo dục nổi tiếng, người đã sáng lập ra ngôi trường Joshi Eigaku Juku nổi tiếng dành riêng cho nữ sinh (nay là Đại học Tư thục Tsuda) và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục phụ nữ Nhật Bản.

Tsuda Umeko sinh ngày 31/12/1864 ở Edo (Tokyo), là con gái thứ hai của Tsuda Sen vốn là Mạc thần trong chính quyền Mạc phủ.

Vào thời điểm chính phủ Minh Trị có chương trình đưa nữ sinh sang du học tại Mỹ để nâng cao vị thế và tri thức của phái nữ Nhật Bản. Umeko là 1 trong những người xuất sắc và may mắn đó. Khi đó Umeko là nhỏ nhất, khi chưa đầy 6 tuổi trong đoàn gồm 5 người.

Ngoài học tiếng Anh, Bà Umeko còn học tiếng Pháp, tâm lý học, nghệ thuật, sinh học và giáo dục. Bà đã sang Mỹ du học 2 lần và luôn đau đáu về tình trạng giáo dục còn hạn chế của phụ nữ Nhật Bản khi đó. Với mong muốn nhiều phụ nữ Nhật Bản khác sẽ có cơ hội học tập ở nước ngoài, vì vậy bà thành lập quỹ học bổng cho phụ nữ Nhật. Sáng lập nên trường tư dạy Tiếng Anh cho tất cả nữ sinh và lấy tên là Joshi Eigaku Juku.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngôi trường đổi tên thành trường Đại học tư thục Tsuda và trở thành một trong những ngôi trường danh tiếng hàng đầu Nhật Bản.

Số 3.
Xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 10000 Yên đó là 𝗦𝗵𝗶𝗯𝘂𝘀𝗮𝘄𝗮 𝗘𝗶𝗶𝗰𝗵𝗶 (𝟭𝟴𝟰𝟬 – 𝟭𝟵𝟯𝟭).

Shibusawa Eiichi <渋沢栄一> là con trai trưởng, sinh ngày 13/2/1840 trong một gia đình nông dân giàu có ở làng Chiaraijima (một phần của Fukaya, tỉnh Saitama ngày nay).

Ngay từ sớm Shibusawa đã bộc lộ nhãn quan kinh doanh nhạy bén, từ năm lên 7 tuổi, ông bắt đầu học lịch sử cùng các kinh điển Trung Hoa, ở tuổi đôi mươi, ông chuyển tới Edo (nay là Tokyo) giữa thời kỳ bùng nổ và học với nhiều thầy là các Nhà Nho học và Võ sư nổi tiếng lúc bấy giờ.

Năm 1867, Shibusawa lần đầu đến châu Âu với tư cách là một thành viên trong phái đoàn tham dự Hội chợ Triển lãm Thế giới Paris. Sau đó, ông đã không về Nhật ngay mà dành hẳn một năm rưỡi đi thăm thú nhiều nơi ở Châu Âu để tận mắt quan sát hệ thống kinh tế – xã hội của các cường quốc phương Tây.

Được mệnh danh là “cha đẻ của nền kinh tế Nhật Bản hiện đại”, Năm 1869, ông đã thành lập công ty cổ phần đầu tiên ở Nhật tại tỉnh Shizuoka bằng những kiến thức ông học được tại Pháp. Ông đã hoạt động tích cực từ thời Minh Trị đến đầu thời đại Showa và đã tham gia sáng lập và quản lý hơn 500 doanh nghiệp lớn nhỏ. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là “Daiichi Kokuritsu Ginko”, tiền thân của đế chế Ngân hàng Mizuho khổng lồ hiện nay. Ông cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập “Sở giao dịch chứng khoán Tokyo”, “Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo”, và là người có đóng góp vô cùng to lớn trong việc đưa vào áp dụng tại Nhật hệ thống kinh tế của các cường quốc Châu Âu.

Ông đặc biệt tin vào mối quan hệ không thể tách rời giữa đạo đức với kinh doanh, để từ đó có những đóng góp thiết thực nhằm củng cố một xã hội thịnh vượng. Cụ thể, ông đã tham gia khoảng 600 tổ chức và thường xuyên hoạt động từ thiện, chăm lo cho giáo dục, phúc lợi cộng đồng và kiên định cho đến tận khi qua đời năm 1931 ở tuổi 91.

————

Source : magazine.tr.mufg.jp

#hako #nipponclass #nhatban #japaneselife #japanese #Japan #news #tintuc #gocnhatban #funnynihongo #tokyo #tiennhat

Bạn phải để đăng bình luận.